Thể kỷ truyện

Thể kỷ truyện (phồn thể: 紀傳體; giản thể: 纪传体; bính âm: jì zhuàn tǐ) là một loại hình thức sách sử ở Đông Á. Trong đó, bản kỷ và liệt truyện là bộ phận chủ yếu (trục chính) trong khi dòng thời gian là trục ngang để phản ánh các sự kiện lịch sử.[1] Thể kỷ truyện hình thành dựa trên hình thức ghi chép truyện ký (tiểu sử) cho mỗi nhân vật. Truyện ký của hoàng đế gọi là "Kỷ" (hay bản kỷ), của hoàng tộc, ngoại thích hay nhân vật bình thường thì gọi là "Truyện" (hay liệt truyện), chư hầu các nước (hoặc các gia tộc lớn) thì xưng "Thế gia", ghi chép chế độ, phong tục, kinh tế thì gọi là "Chí", "Ý", "Khảo" hoặc gọi chung là "Thư", sắp xếp lịch sử theo phương thức bảng biểu thì gọi là "Biểu".[2] "Truyện" và "Kỷ" là hai bộ phận không thể thiếu trong hình thức này, vì vậy được gọi là "thể Kỷ Truyện".[3]Thể kỷ truyện bắt đầu xuất hiện ở trong Kinh Thư của Khổng Tử; tuy nhiên đến thời nhà Hán, Tư Mã Thiên chịu ảnh hưởng từ việc chép sử của Khổng Tử mới dần định hình bút pháp cho thể loại này.[4] Sử ký của Tư Mã Thiên là bộ sách sử đầu tiên ở Trung Quốc biên soạn theo lối kỷ truyện. Có thể nói Tư Mã Thiên là người đã thiết lập ra thể lệ chép sử mới một cách hoàn chỉnh.[5] Đông Lai Lữ Tổ Khiêm đời Tống khi bàn đến lịch sử đã nói: "Sử có hai thể: Thể biên niên, bắt đầu từ họ Tả, thể Kỷ truyện, bắt đầu từ Tư Mã Thiên".[6][7]Những bộ chính sử về sau của Trung Quốc như Nhị thập tứ sử hay Nhị thập ngũ sử đều dựa theo cách viết này để biên soạn. Không chỉ ở Trung Quốc, thể kỷ truyện còn trở thành khuôn mẫu cho việc ghi chép chính sử của các nước trong vùng văn hóa chữ Hán (gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản). Những bộ sách sử như Tam quốc sử ký[8] hay Cao Ly sử của Triều Tiên,[9][10] Đại Nhật Bản sử của Nhật Bản,[11] Đại Nam liệt truyện Tiền biênLê triều thông sử của Việt Nam đều bị ảnh hưởng rất lớn từ Sử ký và biên soạn theo thể kỷ truyện.[12][13]